Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Tham quan Chùa Thanh Thủy, Làm bánh và thể nghiệm Trà đạo cổ truyền Nhật Bản

Thăm chùa Thanh Thủy.

Sáng ngày 20 tháng 4 năm 2013 (nhằm ngày 11 tháng 3 năm Quý Tỵ) đoàn ký sự đến thăm chùa Thanh Thủy.
Chùa Thanh Thủy thuộc Pháp tướng tông, do ngài Từ Ân, một đệ tử người Nhật của ngài Huyền Trang sáng lập vào năm 778, là một trong những ngôi chùa cổ xưa của Nhật ở Kyoto được xếp vào hàng quốc bảo và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chùa nhiều lần bị hoả hoạn và tái thiết, kiến trúc của chùa hiện nay là do tướng quân Đức Xuyên Gia Quang cúng dường xây dựng năm 1633.
Chánh điện chùa Thanh Thuỷ được dựng trên vách núi bằng 139 cây cột gỗ cao 12m, dùng kết cấu rường cột giao nhau tạo thành mặt tiền như một khán đài thành thế tựa sơn diện thuỷ, một khí thế hùng vĩ giữa núi rừng bao la. Chùa thờ tượng Thiên Thủ Quán Thế Âm, tương truyền là do Ngài Diên Chấn thượng nhân tạc từ khúc gỗ thiêng và được tôn thờ từ hồi khai sơn chùa đến ngày nay.
Chùa Thanh Thuỷ có dòng suối chảy ngang qua trước chánh điện, tạo thành một thác nước nhỏ gọi là thác Âm Vũ, hơn 1000 năm qua nước từ đỉnh núi Âm Vũ đổ về quanh năm, dòng nước trong xanh tinh khiết, khi chảy xuống được chia thành ba nhánh và người Nhật tin rằng theo ý nghĩa của từng dòng thác khi uống và cầu nguyện sẽ được như ý.
Rời chùa Thanh Thủy, đoàn ký sự đến tiệm bánh Hichizo Kan-shun-do ở quận Higashi Yama, Nanajo. Qua sự giới thiệu của cô Michiko, tại đây chúng tôi được anh Ouishi hướng dẫn cách làm bánh wagashi, một món bánh ngọt của Nhật Bản. Sau khi được hướng dẫn cách thức làm bánh, chúng tôi bắt tay vào việc thực hiện. Sau khi hoàn tất các khâu, chúng tôi cho ra sản phẩm không kém gì các thợ bánh nơi đây.
Trong khi đó, thượng tọa Thích Chân Tính và thầy Nhuận Phổ được hướng dẫn cách pha trà đạo truyền thống Nhật Bản ở một tiệm trà gần đó. Người pha trà trong trang phục Kimono bước ra chào khách. Sau những nghi thức xã giao, cô ngồi vào vị trí thực hiện các động tác pha trà. Đầu tiên, cô tráng chén uống trà bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ, sau đó dùng khăn lau khô trước khi sử dụng. Kế đến là nước pha trà, được nấu trong một cái ấm không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoảng 80-90oC. Sau đó, dùng muỗng gỗ múc hai muỗng trà cho vào chén, đổ nước sôi, dùng que trúc khuấy đều để trà có nước đặc như bột đậu. Cách thưởng thức trà cũng khá đặc biệt, người thưởng thức nhận chén trà trước khi uống phải xoay đều cho ấm tay rồi hớp từng ngụm để thưởng thức hương vị của trà đạo.
Buổi tối cùng ngày, thượng tọa Thích Chân Tính đã có thời thuyết pháp với các Phật tử tại thành phố Yao, tỉnh Osaka. Trong buổi giảng, thượng tọa đã chỉ ra sự vô thường, tính chất tạm bợ của cuộc sống, khuyên mọi người tin sâu nhân quả, thực hiện việc bố thí cúng dường như xây chùa, ấn tống kinh sách, băng đĩa để hoằng dương chánh pháp. Tránh những việc làm mang tính mê tín dị đoan, phải đặt niềm tin vào chính mình vì Phật dạy hạnh phúc hay khổ đau là ở bản thân, không ai có quyền ban phước hay gián họa cho mình. Sau thời giảng, thượng tọa đã tặng đĩa DVD Viễn Hành cho quý Phật tử.
(nguồn chuahoangphap)
Hình ảnh ghi nhận:
Thăm chùa Thanh Thủy.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tiệm bánh Hichizo Kan-shun-do.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trà đạo.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thuyết pháp tại tỉnh Osaka.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  
  
 
 
 
  
 
 
  
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét